Tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, cho biết Bộ GD-ĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ, sắp tới có thêm một vị trí việc làm chuyên về tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường. Theo ông Sơn, khi sửa đổi Thông tư 16 quy định các vị trí việc làm trong nhà trường, Bộ GD-ĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ về việc có thêm một vị trí chuyên về tư vấn tâm lý học đường.
Giáo viên kiêm nhiệm không đáp ứng được yêu cầu
Từ phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hiệu trưởng các trường phổ thông ủng hộ sự thống nhất giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ.
Bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM). cho biết, hiện nay tư vấn tâm lý học đường là hoạt động kiêm nhiệm của giáo viên. Những giáo viên này cũng chỉ được tham gia tập huấn để "choàng" nhiệm vụ tư vấn tâm lý và chưa được đào tạo bài bản. Trong khi đó, những bất ổn tâm lý của học sinh là vấn đề nhức nhối thời gian qua với các biểu hiện tiêu cực như: bạo lực học đường, bắt nạt trên mạng, học sinh bị rối nhiễu tâm lý dẫn tới hành vi lệch lạc, tiêu cực…
Một hiệu phó trường THPT tại TP.Thủ Đức, cho rằng giáo viên kiêm nhiệm không có chuyên môn sâu về tư vấn tâm lý nên chưa thể giải quyết gốc của vấn đề. Theo hiệu phó này, mỗi trường có từ 1.000-3.000 học sinh, nhưng chỉ có một giáo viên kiêm nhiệm tư vấn tâm lý nên thực sự không đáp ứng được nhu cầu của học sinh.
Chưa kể, giáo viên kiêm nhiệm còn phải hoàn thành số tiết dạy của mình nên cũng không thể hỗ trợ học sinh có nhu cầu tư vấn tâm lý tức thời. Vì thế, việc cần có có một vị trí chính danh là điều cần thiết đặc biệt trong bối cảnh xã hội phát triển.
Có biên chế, lượng tương xứng sẽ có những đầu tư chuyên môn
Cũng theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi trường phải có phòng tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, do không có trong vị trí việc làm nên nhà trường chỉ có thể bố trí nhân viên tư vấn tâm lý phụ trách. Nhân viên tư vấn tâm lý không trực tiếp đứng lớp, không phải là giáo viên, chỉ nhận lương khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, hầu hết nguồn nhân lực ngành tâm lý hiện nay đều có trình độ cử nhân trở lên và nhu cầu tuyển dụng ở ngoài ngành giáo dục là rất lớn. Vì vậy, các trường hầu như không thể tuyển dụng nhân lực chuyên trách phòng tư vấn tâm lý.
Từ thực tế nêu trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), cho hay khi có đội ngũ giáo viên tư vấn tâm lý với chế độ đãi ngộ tương xứng thì lực lượng này sẽ có những đầu tư về chuyên môn và trách nhiệm chuyên trách trong công việc.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), bên cạnh việc có biên chế giáo viên tâm lý, nhà trường cần tăng cường các hoạt động tập thể tích cực, vui chơi, giải trí nhằm giúp học sinh không sa vào những hoạt động tiêu cực.
Ông Phú đồng thời khuyến khích mỗi giáo viên cố gắng trở thành người tư vấn tâm lý cho học trò. Chỉ những trường hợp đặc biệt mới được chuyển qua ban tư vấn tâm lý của trường. Bên cạnh đó, qua fanpage, nhà trường thông báo số điện thoại của ban giám hiệu, giáo viên tư vấn để học sinh và phụ huynh có thể liên hệ 24/24.